
BÁO CÁO TÀI CHÍNH NĂM của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với các Doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác về kiểm toán bắt buộc, thời hạn nộp, cơ quan tiếp nhận có gì khác biệt. Bài viết dưới đây của Công ty Luật CTT và Cộng sự sẽ tổng hợp 06 vấn đề cần lưu ý để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011;
– Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;
– Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
– Thông tư 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC;
– Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Là doanh nghiệp có Nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo đó, khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư định nghĩa như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.
3. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có bắt buộc phải kiểm toán:
– Điểm a, khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập quy định: “Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
– Điều 33 Luật Kế toán quy định : “Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán thì phải được kiểm toán trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước khi công khai”.
Như vậy, Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp bắt buộc phải kiểm toán trước khi nộp cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước khi công khai.
4. Cơ quan tiếp nhận Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 110 Thông tư 200 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì nơi nhận Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài gồm Sở Tài chính, Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp cấp trên (đối với doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên) và Bản quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu (đối với doanh nghiệp có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
5. Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 109 Thông tư 200 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
6. Mức xử phạt đối với trường hợp chậm nộp, không nộp hoặc không thực hiện việc kiểm toán bắt buộc đối với Báo cáo tài chính năm:
– Điều 12 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định đối trường hợp chậm nộp, không nộp và công khai báo cáo tài chính như sau:
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này.
– Khoản 3, Điều 53 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt đối trường hợp không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính như sau :
Điều 53. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, Kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán
…
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với đơn vị được kiểm toán không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tài chính tổng hợp và các công việc kiểm toán khác theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “06 Lưu ý về Báo cáo tài chính năm của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” do bộ phận Luật sư Doanh nghiệp của Công ty Luật CTT và Cộng sự tổng hợp và trình bày.
Mọi thắc mắc hoặc yêu cầu hỗ trợ, cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan vấn đề này, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua số điện thoại 0977.689.995 – Luật sư Lê Xuân Cảnh.