Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Dưới đây là 6 lưu ý khi ly hôn đơn phương.
Theo đó, ly hôn đơn phương là trường hợp chỉ có 1 bên muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng mà bên kia không mong muốn. Hoặc hai bên vợ chồng đều đồng thuận việc ly hôn nhưng không thống nhất về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau khi ly hôn.
1. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn
Vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Căn cứ giải quyết ly hôn đơn phương
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương
Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ly hôn đơn phương được xác định là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.
Khoản 1 Điều 39 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết ly hôn.
Như vậy, khi vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án nơi người có yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
Đối với yêu cầu giải quyết ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
4. Hồ sơ ly hôn đơn phương
– Mẫu đơn ly hôn đơn phương được ban hành theo mẫu quy định tại Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP;
– Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp bị mất/không có giấy chứng nhận kết hôn thì lên Ủy ban nhân dân nơi trước đây vợ chồng tiến hành đăng ký kết hôn để xin trích lục Giấy chứng nhận kết hôn.
– Bản sao có công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ và chồng;
– Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu của vợ và chồng;
– Bản sao có công chứng Giấy khai sinh của các con;
– Bản sao chứng thực các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản của cả hai vợ chồng như Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất,…
5. Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương
a. Giải quyết ly hôn đơn phương ở cấp sơ thẩm
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
– Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên.
– Người có yêu cầu giải quyết ly hôn (người khởi kiện) gửi hồ sơ ly hôn đơn phương đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức sau: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Thủ tục nhận đơn
Khi nhận được đơn khởi kiện ly hôn, Tòa án phải cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện (nếu nộp trực tiếp tại Tòa án) hoặc gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện (nếu nộp đơn qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến).
Bước 3: Xử lý đơn ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 4: Thụ lý giải quyết ly hôn đơn phương
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 5: Tổ chức phiên họp giao nhận, tiếp cận tài liệu chứng cứ và hòa giải
Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
Trường hợp ly hôn đơn phương không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hôn nhân
Trường hợp các bên hòa giải không thành, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Trường hợp có lý do chính đáng, thời gian này có thể được gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án.
b. Giải quyết ly hôn đơn phương ở cấp phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi không đồng ý với toàn bộ hoặc một phần nội dung bản án, đồng thời có căn cứ, tài liệu để chứng minh việc kháng cáo là có cơ sở thì vợ, chồng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo đối với bản án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm.
Bước 1: Chuẩn bị, soạn đơn kháng cáo
Bước 2: Nộp đơn kháng cáo
Đơn kháng cáo phải được nộp trong thời hạn kháng cáo và tại Tòa án có thẩm quyền nhận đơn.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm
Bước 4: Tham gia phiên xét xử Phúc thẩm
6. Thời hạn giải quyết ly hôn đơn phương
– Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương cấp sơ thẩm: Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm kéo dài trong thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời hạn này có thể gia hạn thêm trong trường hợp có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan nhưng không quá 02 tháng.
– Thời gian giải quyết cấp phúc thẩm: Căn cứ theo Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm kéo dài tối đa là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; trường hợp có tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thêm 01 tháng.
💡 Để liên hệ với Công ty Luật CTT và Cộng sự và Luật sư Quý khách vui lòng liên hệ các thông tin dưới đây hoặc điền vào biểu mẫu cuối trang, chúng tôi sẽ liên hệ lại Quý khách sớm nhất:
- Địa chỉ văn phòng: 287 Đường Lê Quảng Chí, Hoà Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
- Số điện thoại: 0905 059 820
- Email: congtyluatctt@gmail.com
- Website: www.cttlawfirm.vn