Lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp vì vậy việc tăng cường tuyên truyền, siết chặt quản lý được xem là giải pháp cấp thiết.
Trong năm 2024, toàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 593 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 132 người chết và 557 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng trên cả 3 tiêu chí: tăng 42 vụ tai nạn giao thông, tăng 21 người chết và tăng 48 người bị thương. Vì vậy lực lượng chức năng luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán, nhất là tại các chợ như chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Bên cạnh đó, nhiều gia đình, đơn vị còn lấn chiếm lòng đường để tổ chức hiếu hỉ, sự kiện.
Đơn cử, hồi đầu tháng 12 vừa qua tại số nhà trên đường Huỳnh Lý (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) một hộ gia đình dựng rạp đám cưới ra giữa lòng đường gây cản trở giao thông. Sau đó ngày 3.12 khi xe thu gom rác đi ngang qua nhưng hộ này không cho xe lưu thông để thu gom rác. Theo UBND quận Hải Châu, đơn vị này đã giao UBND phường Thuận Phước kiểm tra, xử lý.
Qua phản ánh của công dân, UBND phường Thuận Phước đã chỉ đạo Tổ quy tắc đô thị tiến hành làm việc cùng hộ gia đình trên đường Huỳnh Lý.
“Qua làm việc, xác định có hộ tổ chức đám cưới lấn chiếm lòng đường Huỳnh Lý, tuy nhiên đến nay đã tháo dỡ sạch sẽ. UBND phường đã làm việc cùng tổ dân phố, đề nghị nhắc nhở người dân về vấn đề này”, UBND phường Thuận Phước cho biết.
Trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Lê Xuân Cảnh, Công ty Luật CTT và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, Nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ không quy định chi tiết các tiêu chí để cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nhưng việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chỉ được thực hiện khi có phương án tổ chức giao thông, không gây ùn tắc giao thông hoặc có phương án phân luồng giao thông.
Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương – cơ quan có thẩm quyền cấp phép, sau khi chấp thuận sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè vào mục đích khác giao thông được quy định khoản 7 Điều 21 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
“Nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè tạm thời của người dân, tổ chức như việc dựng rạp để tổ chức tang lễ, đám cưới là có trên thực tế và hoàn toàn chính đáng. Do đó, người dân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác như tang lễ, đám cưới…có thể thực hiện việc xin cấp phép để được cơ quan chức năng xem xét cấp phép và từ đó triển khai các biện pháp, phương án đảm bảo an toàn giao thông. Tránh các sự việc đáng tiếc về an toàn tính mạng sức khỏe như phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trong thời gian vừa qua”, Luật sư Lê Xuân Cảnh nói.
Theo Luật sư Lê Xuân Cảnh, chính quyền địa phương cần kịp thời tuyên truyền và hướng dẫn người dân, tổ chức khi thực hiện việc xin phép khi người dân có nhu cầu về việc sử dụng, lòng đường vỉa hè tạm thời. Từ đó, họ chấp hành đầy đủ cũng như thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Nguyễn Linh – Báo Lao động