Hoàn thiện quy định về luật sư của bị hại trong vụ án hình sự

Luật sư của bị hại trong vụ án hình sự – Quy định về bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại nói chung và luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích pháp cho bị hại nói riêng trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) được kế thừa và phát triển dựa trên quy định trước đây trong BLTTHS 2003.

Theo đó, BLTTHS 2015 đã có một số thay đổi, bổ sung như: tách riêng bị hại ra khỏi phạm trù khái niệm đương sự (điểm g khoản 1 Điều 4); mở rộng khái niệm bị hại về đối tượng bao gồm cá nhân và pháp nhân; đưa ra định nghĩa về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; bổ sung trợ giúp viên pháp lý có thể là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Tuy nhiên trong thực tế, quá trình thực hiện quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo Điều 84 BLTTHS 2015 cho thấy nhiều bất cập và trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tập trung phân tích các bất cập, từ đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện với vai trò là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong vụ án hình sự.

1. Quy định về luật sư của bị hại theo Điều 84 của BLTTHS 2015

Theo quy định tại Điều 84 BLTTHS 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người được bị hại nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bao gồm: luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

– Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

– Yêu cầu giám định, định giá tài sản;

– Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra;

– Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

– Kháng cáo phần bản án, quyết định của tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

– Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;

– Giúp bị hại, đương sự về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy, có thể hiểu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, trong đó có luật sư, là người được bị hại (cá nhân hoặc pháp nhân) nhờ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và luật sư thực hiện các quyền, nghĩa vụ được liệt kê trên đây trong quá trình tham gia tố tụng hình sự để bảo vệ quyền lợi cho bị hại.

2.Những bất cập trong quá trình thực hiện quy định về việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại của luật sư

Xác định thời điểm tham gia tố tụng

Điều 84 BLTTHS không có quy định về thời điểm tham gia tố tụng dẫn đến việc không xác định được thời điểm nào luật sư được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Mặc dù trước đây BLTTHS 2003 có quy định về thời điểm luật sư được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can (khoản 2 Điều 59) nhưng so với thực tế hiện nay vẫn chưa phù hợp vì như vậy là quá muộn. Ví dụ như các vụ án tai nạn giao thông gây chết người thì đa số sau khi xảy ra tai nạn, người nhà của bị hại đều tập trung lo ma chay cho bị hại, còn việc điều tra, xác minh vụ tai nạn đều do cơ quan điều tra tiến hành, nhưng rất nhiều trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án và cũng chưa đủ cơ sở để ra quyết định không khởi tố vụ án, nên rất cần có sự hỗ trợ và tư vấn của luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Do đó, theo tác giả, luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cần được tham gia vào cả giai đoạn tiền tố tụng để hỗ trợ và cùng với bị hại thực hiện việc thu thập, cung cấp các chứng cứ hoặc đưa ra kiến nghị về việc điều tra để chứng minh tội phạm làm cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại

Đây là bất cập lớn nhất hiện nay vì BLTTHS 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn đều không có quy định về thủ tục, trình tự đăng ký luật sư tham gia bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA quy định về biểu mẫu giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự thì không có biểu mẫu về việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp của bị hại.

Trong khi đó, đối với người bào chữa thì BLTTHS 2015 đã có những quy định rất cụ thể về thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78) cũng như ban hành biểu mẫu thông báo đăng ký/từ chối đăng ký bào chữa (mục 7 Biểu mẫu sử dụng đối với người bào chữa ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA).

Việc thiếu các quy định về thủ tục đăng ký cho luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại dẫn đến các hệ lụy pháp lý sau:

– Thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật: Trên thực tế, khi luật sư thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thì một số cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận việc đăng ký của luật sư và thủ tục đăng ký như đối với người bào chữa (sửa nội dung biểu mẫu thông báo về việc đăng ký người bào chữa quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA thành thông báo đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại). Bên cạnh đó, một số cơ quan tiến hành tố tụng lại viện dẫn việc không có quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại và không có biểu mẫu nên đã từ chối việc luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.

– Không thực hiện được các quyền, nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS 2015: Trường hợp luật sư bị từ chối đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại nên các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 84 không thể thực hiện trên thực tế, dẫn đến không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Vì vậy, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đồng thời bổ sung các biểu mẫu liên quan nhằm bảo đảm các quy định tại Điều 84 BLTTHS 2015 được áp dụng đầy đủ.

Về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại

So với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 đã bổ sung một số quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại để luật sư có thể thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại được tốt hơn như: kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản; có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; kháng cáo phần bản án, quyết định của tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trên thực tế vẫn có một số tranh cãi nhất định, như việc luật sư bảo vệ cho bị hại có quyền đề nghị mức án cụ thể đối với bị cáo hay chỉ được đề nghị chung chung về tội danh, việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Về vấn đề này, mặc dù tại Điều 84 BLTTHS 2015 không quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại được quyền đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo nhưng chiếu theo các quyền và nghĩa vụ của bị hại tại khoản 2 Điều 62 thì bị hại có quyền “đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”.

Do đó, chúng tôi cho rằng, để bảo đảm quyền lợi cho bị hại và với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó, luật sư cũng được quyền đề nghị áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo, mức bồi thường, biện pháp bảo đảm bồi thường.

Luật sư Lê Xuân Cảnh – Công ty Luật CTT và Cộng sự

Nguồn: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ với chúng tôi
Xin chào, Công ty Luật CTT và Cộng sự có thể giúp gì cho bạn
Hỗ trợ 24/7