Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong tố tụng dân sự 2015- Vướng mắc, đề xuất và kiến nghị

Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là một trong các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ tục này đang có nhiều sự bất cập, không thống nhất giữa các Tòa án trong việc áp dụng thủ tục này dẫn đến nhiều khó khăn cho các đương sự trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc. Bài viết này, sẽ đi sâu phân tích các quy định của pháp luật, các vướng mắc trong quá trình thực hiện và đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp.

1. Cơ sở pháp lý.

1.1 Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng :

Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại Chương 10 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. Theo đó :

     – Các cơ quan có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng gồm : Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án.

     – Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo :

     + Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.

     + Bản án, quyết định của Tòa án.

     + Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự.

     + Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.

     – Các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng :

     + Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

     + Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

     + Niêm yết công khai

     + Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

     + Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này.

 Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã có bổ sung hai phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng mới là bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và quy định cụ thể cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác cho đương sự ở nước ngoài theo quy định tại Chương XXXVIII (Điều 173) so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

1.2 Quy định về thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH15 quy định về thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng như sau :

  1. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo.
  2. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.
  3. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

Với quy định trên, có thể hiểu việc thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau : (1) khi pháp luật có quy định; (2) có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo; (3) có thể thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác.

Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

2. Thực tiễn thực hiện và các vướng mắc phát sinh

2.1 Thiếu thống nhất trong việc xem xét áp dụng thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo quy định pháp luật đã viện dẫn ở trên thì có 03 trường hợp phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng :

 – Một là, khi pháp luật có quy định : Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có 03 trường hợp phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng : (1) yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú; (2) yêu cầu tuyên bố một người mất tích; (3) yêu cầu tuyên bố một người là đã chết.

 – Hai là, có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo. Tuy nhiên, căn cứ xác định việc niêm yết công khai “không đảm bảo” thì lại không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất giữa các Tòa án.

Ví dụ 1 : “Ngân hàng X khởi kiện ông Nguyễn Văn Y ra Tòa án nhân dân Quận A về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Quá trình xác minh thông tin, địa chỉ của ông Y theo địa chỉ mà Ngân hàng X cung cấp, Công an Phường B xác minh như sau : “Ông Nguyễn Văn X và gia đình còn đăng ký hộ khẩu tại Tổ 15, Phường B, Quận A, Thành phố H. Tuy nhiên, ông Y hiện đã đi đâu không rõ.”

* Đối với ví dụ 1 nên trên, hiện có 02 nhận định như sau :

     + Nhận định thứ nhất cho rằng : Ông Nguyễn Văn Y còn đăng ký hộ khẩu tại địa phương và gia đình ông Y còn sinh sống ở đây. Do đó, chỉ cần cấp, tống, thông báo cho người thân để thông báo lại và thực hiện thủ tục niêm yết công khai thì đã “đảm bảo” mà không cần thiết thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

     + Nhận định thứ hai cho rằng : Ông Nguyễn Văn Y đã đi khỏi địa phương, không rõ thời điểm trở về, không rõ địa chỉ cư trú mới. Do đó, việc niêm yết công khai tại địa phương sẽ không đảm bảo việc ông Nguyễn Văn Y sẽ biết được việc khởi kiện đối với ông. Do đó, cần phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với hai nhận định trên, người viết nghiêng về nhận định thứ nhất. Theo đó, chỉ cần thực hiện thủ tục niêm yết công khai mà không cần phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bởi lẽ :

     + Thứ nhất, người thân ông Nguyễn Văn Y còn cư trú tại địa chỉ trên và Tòa án đã thông báo về việc thụ lý vụ án cho gia đình ông Y được biết. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Y đi khỏi địa phương mà không thực hiện thủ tục khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật. Do đó có cơ sở xác định ông Nguyễn Văn Y cố tình trốn tránh việc khởi kiện nên chỉ cần thực hiện thủ tục niêm yết công khai.

Trên thực tế, nhiều trường hợp đương sự bỏ trốn khỏi địa phương, cố tình trốn tránh việc tống đạt mặc dù vẫn biết việc khởi kiện, gia đình người thân không hợp tác cung cấp thông tin, địa chỉ của đương sự dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, gây khó khăn cho đương sự khác mà chủ yếu là người khởi kiện. Đa số, các vụ án phải tiến hành thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì trong thời gian 04 tháng kể từ ngày thông báo, Tòa án mới tiếp tục giải quyết vụ việc.

     + Thứ hai, chi phí để thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khá cao. Tuy nhiên, việc đương sự (chủ yếu là người bị kiện) không phải chịu chi phí trên nên sẽ dẫn đến việc cố tình trốn tránh việc khởi kiện, cản trở tố tụng tư pháp.

Ba là, có thể thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác. Trường hợp này, được hiểu là đương sự cùng tham gia trong vụ án có yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và thẩm phán giải quyết sẽ xem xét có chấp nhận thực hiện thủ tục này hay không. Nếu được chấp nhận thì đương sự yêu cầu, phải chịu lệ phí thông báo.

2.2 Quy định về việc thực hiện thông báo trên phương tiện thông tiện thông tin đại chúng chưa cụ thể.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 thì việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Thực tế thực hiện quy định trên, thông báo của một số Tòa án tỉnh/thành phố có Cổng thông tin điện tử thực hiện việc đăng thông báo trên Cổng thông tin của Tòa án cấp tỉnh đó đối với các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện và tỉnh nơi đó. Tuy nhiên, một số Tòa án địa phương chưa có Cổng thông tin điện tử nên việc thông báo của Tòa án lại được đăng trên Cổng thông tin của Tòa án nhân dân tối cao dẫn đến việc tra cứu thông báo không thống nhất gây khó khăn, không mang lại hiệu quả, đặc biệt là khi thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án địa phương nhưng đương sự không còn có mặt tại địa phương.

 Vì vậy, cần có quy định rõ đối với vấn đề để đem lại hiệu quả đối với việc thực hiện mục đích của quy định trên.

2.3 Quy định về nghĩa vụ chịu lệ phí thông báo còn nhiều bất cập

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 thì đương sự phải chịu lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nếu đương sự có yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đối với trường hợp áp dụng thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mà pháp luật có quy định thì lệ phí thực hiện theo quy định thì cũng do đương sự phải chịu[1].

Tuy nhiên, đối với trường hợp mà pháp luật không có quy định và đương sự không có không có yêu cầu mà có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được, cấp, tống đạt thì lại không có quy định. Trường hợp này, Tòa án có phải chịu lệ phí hay không và nếu chịu thì lấy tiền từ đâu, quyết toán như thế nào hay do đương sự phải chịu thì chưa có hướng dẫn. Bất cập này, dẫn đến các hệ quả pháp lý sau :

     – Thứ nhất, trường hợp đương sự đi khỏi địa phương và có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được, cấp, tống đạt nhưng các Tòa án thường chỉ dừng lại ở thủ tục niêm yết công khai hoặc thực hiện khi đương sự có yêu cầu. Điều này, khiến việc thực hiện thủ tục cấp, tống đạt, thông báo cho đương sự không được đảm bảo.

     – Thứ hai, một số Tòa án ra thông báo yêu cầu đương sự phải chịu lệ phí thông báo để thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gây bất lợi cho đương sự khi mà lệ phí thực hiện thủ tục thông báo không nhỏ gây nên tâm lý ngại đi kiện vì không biết có giải quyết được không nhưng lại bỏ ra một khoản lệ phí khá cao để giải quyết và tạo điều kiện cho đương sự trốn tránh việc khởi kiện. Tuy nhiên, có Tòa án lại chịu lệ phí thực hiện thông báo gây nên bất nhất trong quá trình tố tụng.

3. Đề xuất, kiến nghị giải quyết:

Trên cơ sở các vướng mắc, bất cập đã phân tích ở trên người viết xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để giải quyết như sau :

– Thứ nhất, cần có quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với trường hợp được xem là “có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo” để việc áp dụng được thống nhất.

– Thứ hai, đối với việc thực hiện việc đăng thông báo trên Cổng thông tin điện tử cần quy định cụ thể và nên thực hiện việc đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án tối cao để đảm bảo việc thông tin đạt được hiệu quả tốt nhất.

 – Thứ ba, đối với nghĩa vụ phải chịu lệ phí trong trường hợp Tòa án xác định “có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo” cần được quy định rõ. Theo quan điểm của người viết, đa số người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm đều là đối với người bị kiện và đều không thực hiện việc khai báo tạm trú, tạm vắng khi đi khỏi địa phương, một số nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ. Do đó, cần xem xét buộc họ phải chịu lệ phí thông báo như đối với án phí trong trường hợp yêu cầu của người khởi kiện được Tòa án chấp thuận.

Trên đây là một số ý kiến và quan điểm của người viết đối với quá trình thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trên cơ sở thực hiện trên thực tiễn mà người viết gặp phải.

[1] Điều 385 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13

Luật sư Lê Xuân Cảnh – Công ty Luật CTT và Cộng sự

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân số 22/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ với chúng tôi
Xin chào, Công ty Luật CTT và Cộng sự có thể giúp gì cho bạn
Hỗ trợ 24/7